Thực hư Nova F&B bất ngờ “bán mình” cho đối tác Singapore.
Mới đây, thị trường F&B được một phen dậy sóng trước thông tin chuỗi Nova F&B của NovaGroup đã bị thâu tóm bởi một nhà đầu tư ngoại quốc. Cụ thể như thế nào, đừng bỏ qua bài viết dưới đây của A - Connection nhé!
Ai đứng sau vụ thâu tóm Nova F&B?
Theo thông tin từ VinaCapital, thêm một vụ “thâu tóm” làm chao đảo thị trường F&B mới vừa được chốt sổ. Đấy chính là thương vụ M&A của Nova F&B. Cụ thể, một nhà đầu tư Singapore đã mua Nova F&B - mảng dịch vụ nhà hàng, đồ uống của Nova Service thuộc NovaGroup và đổi tên thành In Dining. Đơn vị mới vào vận hành, quản lý là Công ty CP IN Hospitality và VinaCapital là một trong những cổ đông lớn của công ty này.
Trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, công ty CP Nova F&B đã thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp từ hôm 7-6-2023. Theo đó, bà Nguyễn Thanh Hà Ngọc (SN 1983) giữ vị trí tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật thay bà Nguyễn Thị Thuý. Bà Ngọc hiện cũng là tổng giám đốc Công ty CP IN Hospitality.
Cho những ai chưa biết, IN Hospitality là đơn vị vận hành một số trung tâm hội nghị, tổ chức sự kiện, tiệc cưới lớn ở TP.HCM như GEM Center, White Palace Hoàng Văn Thụ, White Palace Phạm Văn Đồng, nhà hàng The Log, W Gourmet.
Vậy lý do tại sao lại chọn In Hospitality là đơn vị vận hành? In Hospitality tiền thân là Công ty CP PQC Convention – đơn vị thành viên và cũng là lĩnh vực cốt lõi trong "hệ sinh thái" In Holdings. Về tình hình kinh doanh, IN Hospitality ghi nhận lãi sau thuế đột biến năm 2022 với 130 tỷ đồng, tăng gấp gần 11 lần năm 2021 (11,9 tỷ đồng). Bình quân mỗi ngày công ty này lãi 356 triệu đồng. Từ năm 2021 - 2022, vốn sở hữu của IN Hospitality tăng từ 549 tỷ đồng lên 670 tỷ đồng. Sau 1 năm, nợ phải trả công ty giảm từ 373 tỷ đồng còn 308 tỷ đồng, còn hiệu quả sử dụng vốn (ROE) tăng từ 2% lên 19%. Đây là những con số minh chứng cho thấy quy mô và tiềm năng phát triển của công ty trên thị trường.
Tìm hiểu: Các chuỗi cà phê Việt Nam tranh nhau “xuất ngoại”
Nova F&B “bán mình” khi đang trên đà tăng trưởng
Về Nova F&B, công ty này được thành lập từ 2015 với tên gọi ban đầu là Nova Foods, sau đổi thành Mega Foods & Beverages và đến tháng 8-2020, Nova F&B chính thức ra mắt với vốn điều lệ là 600 tỷ đồng.
Được biết Nova F&B là lĩnh vực then chốt của Nova Service, Nova F&B được giới thiệu đã phát triển, quản lý và vận hành 42 thương hiệu nhà hàng, cà phê. Trong đó, có hàng chục thương hiệu được xây dựng, phát triển như: Dynasty House, Dae Chang Geum, Carpaccio, Ai Lac do Brazil, Marina Club, PhinDeli Café, Mojo Boutique Coffee, Shri Restaurant & Lounge, Beach Club, Tib, Cà phê Cô Ba, Saigon Casa Cafe,…
Tuy sinh sau đẻ muộn, nhưng Nova F&B đã nhanh chóng vượt lên nhờ hưởng lợi từ hệ sinh thái dân cư tại những dự án của Novaland. Doanh thu và lợi nhuận của Nova F&B liên tục tăng trong những năm gần đây.
Về tình hình kinh doanh của Nova F&B, năm 2019, doanh thu của công ty này đạt gần 17 tỷ đồng. Một năm sau, con số này gấp hơn 8 lần lên gần 140 tỷ đồng và vượt ngưỡng 200 tỷ vào năm 2021, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Cùng với doanh thu, hiệu quả hoạt động cũng tăng mạnh qua các năm nhờ sự cải thiện của biên lợi nhuận gộp. Từ mức 34% năm 2019, đến năm 2021, biên lợi nhuận gộp của Nova F&B đạt hơn 65%. Con số này thậm chí còn nhỉnh hơn Golden Gate, chuỗi nhà hàng có quy mô lớn nhất hiện tại, với biên lãi gộp quanh ngưỡng 58-61%.
Năm 2022, Nova F&B có thể còn tăng trưởng cao hơn nếu nhìn từ số liệu của Golden Gate, khi chuỗi nhà hàng này ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cao đột biến nhờ sự phục hồi của thị trường.
Đọc thêm nội dung: Ông chủ Vingroup mời nhân tài khắp thế giới về VinFast và bài học dùng người cho chủ doanh nghiệp
Tham vọng “bành trướng” thị trường trong 24 tháng của VinaCapital
VinaCapital đóng vai trò là môi giới cho nhà đầu tư Singapore trong thương vụ lần này. Nhưng không lâu sau đó, tập đoàn này đảm nhiệm luôn vấn đề quản lý, vận hành chuỗi này thay cho nhà đầu tư mới.
Được biết hiện IN Holdings là đơn vị quản lý, vận hành chuỗi nhà hàng và thức uống của Nova F&B. Chuỗi này được đổi tên thành IN Dining sau khi tiếp quản và VinaCapital chính là cổ đông của IN Holdings và đã đồng hành với doanh nghiệp trong suốt 4 năm liền. Do đó, tập đoàn này hiểu rõ năng lực và nhìn ra cơ hội khi giới thiệu IN Holdings cho đối tác tiếp quản Nova F&B.
Ông Andy Ho - Tổng giám đốc hội đồng đầu tư của Tập đoàn VinaCapital trong một cuộc họp báo mới đây cho biết: IN Dining đang hướng tới khách hàng ở phân khúc cao cấp. Ông kỳ vọng với kinh nghiệm của IN Holdings, doanh nghiệp này sẽ vận hành hiệu quả và nhanh chóng mở rộng quy mô trong 24 tháng tới.
Việc bán đi một mảng kinh doanh đang trên đà tăng trưởng có lẽ không phải điều mà NovaGroup mong muốn. Thực tế, thương vụ này được NovaGroup thực hiện trong bối cảnh phải tái cấu trúc toàn diện để tập trung nguồn lực cho mảng kinh doanh cốt lõi là bất động sản.
Tham khảo thêm: The Coffee House, Juno... sẽ được Thái Lan "đầu tư" phát triển
- Cách quản lý hàng tồn kho thông minh cho doanh nghiệp nhỏ (26.09.2024)
- Làm thế nào để tận dụng tối đa diện tích kho chứa hàng? (26.09.2024)
- TOP 5 phương pháp quản lý kho hàng hiệu quả nhất hiện nay (24.09.2024)
- Làm thế nào để mở quán ăn vặt vỉa hè luôn đắt khách? (20.09.2024)
- Trung thu tại A-Connection: Trung thu cho nhân viên, tri ân và kết nối (18.09.2024)