Phong trào “Bỏ phố về quê” để lập nghiệp của giới trẻ - Đúng đắn hay nông nổi?
Những năm gần đây, đặc biệt sau dịch, làn sóng người trẻ bỏ phố thị xa hoa, nơi “đất chật người đông” để về quê lập nghiệp ngày càng trở thành phong trào, xu hướng. Vậy tại sao “bỏ phố về quê” lại được nhiều bạn trẻ ngày nay lựa chọn như vậy, hãy cùng A - Connection tìm hiểu dưới đây nhé!
Giới trẻ đắn đo khi “bỏ phố về quê” ?
Rời khỏi quê hương, bước đến chân trời rộng lớn hơn là ước mơ của biết bao bạn trẻ thời ấu thơ. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp cấp 3 hoặc đủ tuổi trưởng thành, việc tìm đến những thành phố lớn để học tập, làm việc… trở thành lựa chọn của người trẻ. Tại đây, chúng ta được tiếp xúc với nhiều người, trải qua nhiều thăng trầm và dần trưởng thành hơn.
Thế nhưng, khi đối mặt cuộc sống áp lực, tài chính đè nặng… nhiều người trong đó có một phần lớn giới trẻ “bỏ phố về quê” sinh sống và làm việc. Đây quả thực là 1 quyết định khó khăn với người trẻ, bởi “đi không được, ở cũng không xong” , nhiều người cũng hoang mang với câu hỏi: “Về quê thì làm gì để sống?”.
Câu chuyện “Về quê nuôi cá và trồng thêm rau”
Cụm từ “bỏ phố về quê” hay “về quê nuôi cá và trồng thêm rau” có lẽ đã trở thành câu cửa miệng, ước mơ và mục tiêu tương lai của nhiều bạn trẻ đang sống ở thành thị. Nếu như chỉ 5 năm trước thôi, xu hướng các bạn trẻ lên thành thị lập nghiệp đã và đang duy trì từ bao lâu nay thì ngày nay mọi sự đã khác.
>>> Đọc thêm: Sự phát triển của mạng 5G sẽ tác động như thế nào vào lĩnh vực bất động sản
Ngày trước, hễ nhắc đến việc “bỏ phố về quê”, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới nhân vật chính trong câu chuyện là những người cao tuổi đã nghỉ hưu, về quê để an dưỡng tuổi già. Nhưng giờ đây, vào các hội nhóm trên mạng xã hội như: Hội bỏ phố về vườn, Cộng đồng Farmstay Việt Nam, Bỏ phố về quê,… hầu hết thành viên đều là các bạn trẻ. Đặc biệt những nhóm này còn có số lượng người tham gia đông đảo lên đến trăm nghìn người, cho thấy sự thu hút của xu hướng với giới trẻ.
Sau khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, khó khăn về công việc, về kinh tế càng khiến cho nhiều bạn trẻ 9X, 10X lựa chọn đón đầu xu hướng nói trên. Ngoài khía cạnh về kinh tế, sau đại dịch COVID-19, nhiều giá trị sống cũng đã thay đổi: nhu cầu tìm về với gia đình, tìm về với thiên nhiên và sống chậm, tìm về với chính mình ngày càng trở nên quan trọng.
Không thể phủ nhận rằng: sau khi ra trường, các bạn trẻ có cơ hội tìm việc làm và sinh sống trên thành phố lớn hơn. Họ được gặp gỡ, va chạm nhiều người, thử thách mình trong nhiều công việc nên trưởng thành hơn.
Tuy nhiên, giữa phố thị đầy “hoa lệ” mà người ta vẫn hay bông đùa: “hoa cho người giàu và lệ cho người nghèo” khiến giới trẻ chịu áp lực lớn và những yêu cầu cao trong công việc và cuộc sống. Tất nhiên, để có một mức sống ổn định ở thành phố và công việc có sự phát triển, họ phải “vùi đầu” vào công việc mỗi ngày. Điều đó làm nhiều người cảm thấy “nghẹt thở”, muốn thay đổi thực tại và tìm một cơ hội khác. Giới trẻ “bỏ phố về quê” cũng vì muốn tìm một hướng đi mới cho chính mình!
Chưa kể, mặc dù thu nhập ở thành phố cao hơn nhưng mức sống, sinh hoạt, chi chí cao cũng khiến người trẻ áp lực hơn. Ở thành phố, đồ ăn, thức uống, chi phí dịch vụ… đều đắt hơn một chút. Trong khi đó nhiều người chỉ đạt được mức thu nhập trung bình. Họ vừa phải lo sinh hoạt phí hàng tháng, vừa phải tiết kiệm để mua nhà, mua xe… nên áp lực đè nặng vô cùng lớn. Cũng chính vì vậy, hiện nay tỉ lệ kết hôn ở giới trẻ Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang ngày càng có xu hướng đi xuống.
Hơn nữa, để mỗi người mua được một căn nhà hoặc một căn chung cư ở thành phố lớn không phải vấn đề đơn giản. Nếu như không gia tăng thu nhập hoặc không tiết kiệm, chắt bóp từng đồng, chúng ta khó mà sở hữu được một căn nhà ưng ý và an cư lạc nghiệp. Âu đó cũng là lý do khiến giới trẻ “bỏ phố về quê”
Tham khảo thêm 13 Bước lập kế hoạch kinh doanh cho dân khởi nghiệp
Giới trẻ “Bỏ phố về quê” - Yên bình nhưng có yên ổn?
Nhiều người trẻ có xu hướng bỏ phố “về quê nuôi cá và trồng thêm rau”, thế nhưng thực tế không phải ai cũng thành công. Bên cạnh những người có cuộc sống phát triển, ổn định ở quê nhà, nhiều bạn trẻ phải đối mặt với tình trạng lạc lõng, mất định hướng.
Nông thôn sẽ yên tĩnh, không xô bồ, các loại hình giải trí cũng hạn chế mà chủ yếu tiếp xúc với công việc đồng áng, thiên nhiên. Nhiều người thích trải nghiệm điều mới mẻ nhưng sẽ nhanh chóng nhàm chán nếu không xác định rõ từ trước. Nguy cơ các bạn sẽ phải ngược dòng từ quê ra phố.
Giới trẻ “bỏ phố về quê” sẽ phải đối mặt với những dị nghị, tò mò và những quan điểm từ người khác. Không ít người xung quanh cho rằng: bỏ phố về quê là thất bại, nhu nhược, không có chí tiến thủ. Do vậy, các bạn trẻ cần sẵn sàng tâm lý để đối mặt với lời bàn tán của hàng xóm, có thể từ cả người thân, bạn bè của mình.
Về quê, mỗi người sẽ có sự lựa chọn hướng đi, cơ hội việc làm khác nhau. Nhưng không phải ai cũng đạt được mục tiêu ban đầu khi lập nghiệp, tìm kiếm việc làm. Nếu đã quyết định về quê sinh sống và làm việc, sau này chúng ta sẽ khó quay trở lại thành phố hơn. Khi quen với nếp sống ở quê nhà, lên lại thành phố dễ làm ta choáng ngợp, áp lực hơn nhiều. Vì thế, dù có thành công hay thất bại ở quê nhà, nhiều bạn trẻ vẫn không tìm lên thành phố.
Lựa chọn “Bỏ phố về quê” để lập nghiệp của giới trẻ sẽ là một quyết định vô cùng khó khăn nhưng đầy hứng khởi, thú vị. Tuy nhiên, việc giới trẻ “bỏ phố về quê” sống không hề dễ dàng. Người trẻ cần hiểu rõ bản thân muốn gì? Những khó khăn phải đối mặt và chuẩn bị kế hoạch thật kỹ lưỡng cho ngã rẽ, hướng đi mới cho chính cuộc đời mình.
- Cách quản lý hàng tồn kho thông minh cho doanh nghiệp nhỏ (26.09.2024)
- Làm thế nào để tận dụng tối đa diện tích kho chứa hàng? (26.09.2024)
- TOP 5 phương pháp quản lý kho hàng hiệu quả nhất hiện nay (24.09.2024)
- Làm thế nào để mở quán ăn vặt vỉa hè luôn đắt khách? (20.09.2024)
- Trung thu tại A-Connection: Trung thu cho nhân viên, tri ân và kết nối (18.09.2024)