Bật mí quy trình nhượng quyền thương hiệu từ A-Z

Nhượng quyền thương hiệu là “mảnh đất màu mỡ” được các nhà khởi nghiệp lựa chọn để đầu tư kinh doanh. 

Tiếp nối chuỗi bài viết tìm hiểu về mô hình kinh doanh này, A-Connection sẽ chỉ ra và phân tích rõ các bước cơ bản trong quy trình nhượng quyền thương hiệu mà người chuẩn bị nhận nhượng quyền cần phải quan tâm. 

Xem thêm: Nhượng quyền thương hiệu là gì? Hoa thơm và trái đắng.

Xác định nguồn lực bản thân

Bước đầu tiên trong trong quy trình nhượng quyền thương hiệu là định vị bản thân. Bạn phải chắc chắn rằng bạn và doanh nghiệp của mình đã chuẩn bị sẵn sàng hay chưa? Nên bắt đầu kinh doanh nhượng quyền thương hiệu không? Tiềm lực tài chính và năng lực bản thân hiện tại có phù hợp với mô hình này hay không?

Việc biết được điểm mạnh, điểm yếu và mức độ đầu tư trong hoạt động kinh doanh sẽ giúp cho quá trình kinh doanh của bạn được triển khai dễ dàng hơn. 

Xác định lĩnh vực bạn muốn tham gia

Nhượng quyền thương hiệu hiện tại đang phát triển rất mạnh. Hầu như bất cứ ngành nghề kinh doanh nào đều có sự góp mặt của mô hình kinh doanh này. Tuy nhiên, ẩm thực, thời trang và bán lẻ vẫn là các hình thức nhượng quyền được ưa chuộng hàng đầu tại Việt Nam. Trong đó, phát triển mạnh mẽ nhất vẫn là lĩnh vực ẩm thực với nhiều năm liền dẫn đầu thị phần nhượng quyền nước ta.

 

Khi lựa chọn lĩnh vực tham gia cần lưu ý: Lĩnh vực đó cần có tiềm năng phát triển, hợp xu hướng, và phù hợp với nguồn lực bản thân và doanh nghiệp của bạn, đặc biệt là tài chính. Chi phí nhượng quyền thương hiệu hiện nay khá đa dạng, tùy vào từng lĩnh vực và thương hiệu. Nhìn chung sẽ có sự dao động từ vài chục với vài tỷ đồng, ngoài ra bạn cũng cần quan tâm tới các loại chi phí khác như chi phí duy trì hợp đồng hàng tháng, chi phí thuê mặt bằng, chi phí setup trang trí cửa hàng,...

Lựa chọn thương hiệu nhượng quyền

Tiếp theo là tìm hiểu thị trường, so sánh các thương hiệu nhường quyền để chọn ra thương hiệu mà bạn muốn hợp tác. Đây là bước vô cùng quan trọng, được xem là giai đoạn quan trọng nhất trong quy trình nhượng quyền thương hiệu. Việc tìm hiểu, đánh giá và đưa ra các so sánh ở bước này đòi hỏi bạn không chỉ thận trọng, mà còn phải có thêm tầm nhìn cho tương lai xa hơn. Không chỉ là cái lợi trước mắt, bạn còn phải vẽ ra cả một tương lai lâu dài sau 3 tháng, nửa năm, một năm và nhiều năm.

 

Hãy xem xét các tiêu chí như hoạt động hiện tại của các cửa hàng khác trong chuỗi, thị phần của thương hiệu với các thương hiệu khác trong ngành, lượng khách hàng hiện tại của doanh nghiệp, độ phủ của thương hiệu, hiệu quả kinh doanh, chất lượng sản phẩm, chi phí đầu tư, chính sách hỗ trợ đối tác,...

Lựa chọn mặt bằng kinh doanh phù hợp

Mặt bằng đẹp có thể quyết định đến 50% khả năng thu hồi vốn và sinh lời của bất kỳ mô hình kinh doanh nào.  Mặt bằng đẹp có thể hiểu là cửa hàng có mặt tiền rộng, diện tích lớn, nằm ở vị trí đắc địa, bắt mắt, dễ tìm, giao thông thuận tiện, có chỗ đậu xe… 

Mỗi thương hiệu nhượng quyền đều có những yêu cầu khác nhau về mặt bằng cửa hàng. Một số doanh nghiệp nhượng quyền có yêu cầu rất cao về mặt bằng như Cộng Cà phê, Aha Cà Phê, The Alley… Do đó, chi phí đầu tư ban đầu kinh doanh nhượng quyền các thương hiệu cà phê này có thể lên tới 3 – 5 tỷ đồng.

Liên hệ, đàm phán, ký hợp đồng 

Sau khi chốt được thương hiệu bạn muốn hợp tác kinh doanh thì bước tiếp theo chính là liên hệ với đại diện của bên nhượng quyền và lên lịch hẹn gặp.  Đây là giai đoạn phức tạp hơn nên bạn cần chuẩn bị các kỹ năng và chiến lược đàm phán để đạt kết quả tốt nhất.

 

Sau khi các điều khoản hợp tác được chấp nhận, các bên sẽ tiến hành ký kết thỏa thuận chính thức. Kiểm tra lại một lần nữa các điều khoản ghi trong hợp đồng. Những điều chính yếu về hợp đồng nhượng quyền mà bạn phải chú ý là: khu vực được nhượng quyền; phí nhượng quyền ban đầu; phí nhượng quyền hàng tháng; sự hỗ trợ và các điều khoản có lợi, bất lợi trong quá trình kinh doanh; các điều khoản chấm dứt hợp đồng. Như vậy, quy trình mua nhượng quyền của bạn sẽ được đảm bảo nhanh chóng và an toàn.

Khai trương cửa hàng và bắt đầu kinh doanh

Đây là bước cuối cùng trong chuỗi quy trình nhượng quyền thương hiệu. Sau một quá trình tư vấn, hỗ trợ của bên bán chuyển nhượng thì đây sẽ là lúc mà bạn phải “tự thân vận động” nỗ lực hết sức để đem lại thành công cho cửa hàng.

 

Việc am hiểu về quy trình nhượng quyền thương hiệu sẽ giúp bạn có một kế hoạch kinh doanh cụ thể và tiết kiệm được rất nhiều thời gian cho hoạt động kinh doanh sắp tới của mình. 

Mong rằng bài viết này sẽ giải đáp được một vài thắc mắc của bạn về mô hình kinh doanh này.