Giải mã sự thất bại của đế chế Nokia, Yahoo với Tiếp thị thiển cận

Tiếp thị thiển cận

Trong kinh doanh, Tiếp thị thiển cận là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thất bại nhanh nhất. Đây chính là căn bệnh mà nhiều thương hiệu gặp phải. Bài học vỡ lòng từ sự sụp đổ của các đế chế như Nokia, Yahoo. Vậy Tiếp thị thiển cận là gì? Cùng A-Connection tìm hiểu ngay sau đây nhé!

Tiếp thị thiển cận là gì?

Tiếp thị thiển cận hay Marketing Myopia là thuật ngữ được đúc kết bởi Giáo sư Theodore Levitt của Harvard Business School vào năm 1960. Tiếp thị thiển cận ám chỉ việc ưu tiên những mục tiêu ngắn hạn hơn các mục tiêu phát triển dài hạn trong hoạt động marketing của doanh nghiệp. Rộng hơn, thuật ngữ này cũng chỉ ra sai lầm nghiêm trọng của nhiều thương hiệu là chỉ tập trung để thỏa mãn nhu cầu của mình thay vì xác định và đáp ứng nhu cầu thực sự của khách hàng.   

Nguyên nhân doanh nghiệp bị rơi vào tiếp thị thiển cận

 

Tiếp thị thiển cận

Không phải nhà quản trị nào cũng đủ sáng suốt, đủ tầm nhìn để tránh khỏi cái bẫy mang tên “Tiếp thị thiển cận”. Vậy có những nguyên nhân nào khiến doanh nghiệp rơi vào tiếp thị thiển cận:

- Không có mục tiêu không rõ ràng: Doanh nghiệp muốn đi đường dài cần có mục tiêu ngắn hạn, trung hạn, dài hạn rõ ràng. Đặc biệt là mục tiêu dài hạn, nếu thiếu mục tiêu dài hạn, trong các chiến lược Marketing doanh nghiệp rất dễ đi lệch hướng và vô hình chung, đã rơi vào cạm bẫy “Tiếp thị thiển cận”. 

- Sợ thay đổi: Việc thay đổi mô hình kinh doanh có thể gây ra rủi ro cho một doanh nghiệp nhưng sự thận trọng quá mức sẽ khiến họ rơi vào bẫy marketing thiển cận.

- Sự kiêu ngạo và bảo thủ: Mù quáng tin vào tính ưu việt của sản phẩm hoặc dịch vụ mà mình cung cấp có thể khiến doanh nghiệp mất đi khả năng cạnh tranh. Bởi họ không có kế hoạch cải thiện hay thay đổi sản phẩm để phù hợp với nhu cầu của thị trường.

- Áp lực doanh số: Công tâm mà nói, kinh doanh phải tạo ra lợi nhuận, có lợi nhuận mới phát triển doanh nghiệp được. Và thông thường, trong doanh nghiệp các cổ đông có thể sẽ yêu cầu thu lại mức ROI cao ngay lập tức. Điều đó sẽ gây áp lực lên các nhà lãnh đạo và khiến họ quyết định ưu tiên các lợi ích ngắn hạn hơn là chiến lược tăng trưởng dài hạn.

Tác hại của Marketing thiển cận với doanh nghiệp

 

Tiếp thị thiển cận

Vậy tiếp thị thiển cận sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp của bạn như thế nào? 

- Dễ bị đào thải: Thị trường luôn chuyển động, thay đổi không nhưng, nhu cầu khách hàng mỗi ngày mỗi khác. Nếu không chịu thay đổi, đứng yên một chỗ vì việc bị đào thải là chuyện sớm muộn. 

- Hạn chế cơ hội kinh doanh: Mỗi sản phẩm đều chỉ tồn tại ở một khoảng thời gian nhất định, nếu muốn giữ vững thương hiệu thì cách duy nhất là cải tiến sản phẩm, tạo ra các sản phẩm mới phù hợp với thị trường hơn. 

- Suy giảm doanh thu: Doanh nghiệp không chịu thay đổi, khách hàng dễ dàng quay lưng. Mất đi khách hàng, sản phẩm không tiêu thụ được, dẫn tới tình trạng doanh thu sụt giảm, ảnh hưởng cực lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. 

Giải pháp tránh Tiếp thị thiển cận cho doanh nghiệp

 

Tiếp thị thiển cận

Doanh nghiệp cần lưu ý các giải pháp sau để hạn chế tình trạng sa vào “Tiếp thị thiển cận”. 

- Liên tục đổi mới giá trị: Doanh nghiệp cần khuyến khích sáng tạo và đổi mới trong hoạt động kinh doanh để đáp ứng được các yêu cầu thay đổi của thị trường và khách hàng. Doanh nghiệp cần liên tục cập nhật và tạo ra các giá trị mới để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và thị trường. Điều này có thể là sản phẩm mới, dịch vụ mới hoặc các cải tiến và cập nhật cho các sản phẩm hoặc dịch vụ hiện có.

- Lấy khách hàng làm trọng tâm: Khách hàng là nguồn máu nuôi sống doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần thấu hiểu nhu cầu thực sự của khách hàng và tập trung phát triển các sản phẩm hoặc dịch vụ phù hợp với nhu cầu đó. Bán những gì khách hàng cần chứ không phải những gì doanh nghiệp có. Không nên chỉ tập trung vào sản phẩm hoặc dịch vụ hiện có mà bỏ qua nhu cầu mới của khách hàng.

- Nghiên cứu đối thủ cạnh tranh: “Biết mình biết ta trăm trận trăm thắng”. Nghiên cứu đối thủ cạnh tranh, tìm hiểu diễn biến thị trường là vấn đề quan trọng không được bỏ qua. Bạn phải theo dõi được đối thủ hiện tại như thế nào, có những chiến lược gì, tốc độ phát triển ra sao,... để từ đó về tối ưu lại chiến lược kinh doanh của thương hiệu mình.

- Điều chỉnh chiến lược kinh doanh liên tục: Doanh nghiệp cần liên tục đánh giá và điều chỉnh chiến lược kinh doanh để đảm bảo phù hợp với thị trường và khách hàng.

Bài học vỡ lòng từ sự thất bại của Nokia, Yahoo

Nokia

 

Tiếp thị thiển cận

Những ai là tín đồ công nghệ hẳn cũng biết rõ về thời hoàng kim của thương hiệu tới từ đất nước Phần Lan này. Khoảng năm 2007, khi Nokia vẫn còn là vua của thị trường điện thoại di động khi chiếm tới 60-70% thị phần, một con số cực kì ấn tượng. Thế nhưng việc bảo thủ và không chịu thay đổi theo công nghệ khiến gã khổng lồ này trượt dài và không thể gượng dậy nổi trước những đối thủ sinh sau đẻ muộn. 

Nguyên nhân là thay vì đi theo xu hướng với Android, họ lại chọn những công nghệ có phần cũ kỹ và không được đa dụng khi bắt tay cùng Microsoft. Điều này dẫn tới những thất bại ê chề với concept "Window Phone" những năm về trước. Những mẫu điện thoại ít cải tiến về ngoại hình, kém thời thượng và rất khó sử dụng. 

Yahoo

 

Tiếp thị thiển cận

Nhắc đến Internet thời điểm năm 2000 - 2007, cái tên đầu tiên mà người dùng nhớ đến chắc chắn là Yahoo. Đây là công ty đã từng thống trị Internet thời bấy giờ với Yahoo search (công cụ tìm kiếm), Yahoo mail (thư điện tử) và Yahoo Messenger (chat, trò chuyện) cùng một số sản phẩm khác. 

Tuy nhiên hiện tại, Yahoo hầu như đã biến mất khỏi thị trường và nguyên nhân chí tử vẫn là sự thiển cận trong tầm nhìn chiến lược Marketing. Có thể bạn chưa biết, Yahoo đã từng từ chối lời mời mua lại Google đến tận 2 lần vì không nhìn ra được tiềm năng của ngành công nghiệp tìm kiếm Online. Năm 2006, chính ban lãnh đạo của Yahoo từ chối việc mua lại Facebook vì không nhìn thấy được tiềm năng của mạng xã hội. Với tâm lý ngạo mạn, ban lãnh đạo của Yahoo ngày càng đưa doanh nghiệp lao dốc khi thị phần ngày càng rơi vào tay của chính các thương hiệu khác. 


Như vậy, trong bài viết này, A-Connection đã cùng bạn khám phá mọi nguyên nhân, hậu quả và một số giải pháp phòng tránh trong tiếp thị thiển cận. Hy vọng những thông tin chia sẻ phía trên sẽ giúp ích cho những chiến dịch quảng cáo và chiến lược phát triển của doanh nghiệp bạn sau này.