FMCG là gì? Khám phá tất tần tật về FMCG

Không thể phủ nhận FMCG là một trong những ngành có sự phát triển nhanh chóng và đóng góp lớn vào nền kinh tế. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về ngành này.

Hãy cùng A-Connection tìm hiểu về lĩnh vực kinh doanh hấp dẫn này nhé!

FMCG là gì?

FMCG là tên viết tắt gồm các ký tự đầu tiên của cụm từ tiếng Anh – Fast Moving Consumer Goods, hay còn gọi là ngành hàng tiêu dùng nhanh. 

Ngoài ra, FMCG còn sở hữu một tên gọi khác là CPG - viết tắt của cụm Consumer Package Goods (hàng tiêu dùng đóng gói). Chúng gồm có các sản phẩm tiêu dùng với sức bán lớn và lượng khách hàng tiêu dùng cao.

Đối tượng khách hàng của FMCG

Dòng chảy của sản phẩm FMCG rất hiếm khi (hoặc có thể nói là không bao giờ) đi thẳng từ NSX đến tay người tiêu dùng cuối, mà nó sẽ vận hành thông qua các trung gian phân phối như NPP, đại lý, điểm bán lẻ (cửa hàng, tạp hóa, siêu thị, cửa hàng tiện lợi,…) rồi mới tiếp cận được đến người mua. Điều này đồng nghĩa với việc khách hàng trực tiếp của doanh nghiệp FMCG không phải là người tiêu dùng cuối, mà chính là các trung gian phân phối kể trên. 

FMCG bao gồm những mặt hàng nào?

Hàng tiêu dùng nhanh là hàng hoá không thể sửa chữa, hoặc hàng hoá có tuổi thọ ngắn và được tiêu thụ với tốc độ nhanh bao gồm:

- Thực phẩm chế biến: Các sản phẩm pho mát, ngũ cốc và mì ống đóng hộp,...

- Thức ăn nhanh

- Đồ uống: Nước đóng chai, nước tăng lực và nước trái cây,...

- Đồ nướng: Bánh mì, bánh quy, bánh sừng bò,...

- Thực phẩm tươi, đông lạnh và hàng khô: Trái cây, rau xanh, hải sản đông lạnh, thịt đông lạnh, các loại hạt sấy khô,...

- Thuốc: Thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau, thuốc chống nôn,...

- Sản phẩm tẩy rửa: Nước lau kính, tẩy rửa bồn cầu, nước rửa chén, nước lau sàn,...

- Mỹ phẩm: Son, phấn nền, kem che khuyết điểm, chì kẻ mày, nước tẩy trang,...

- Đồ dùng văn phòng: Bút, bút chì và bút dạ,...

Sự khác biệt giữa ngành FMCG và ngành Retail

Sự khác nhau lớn nhất giữa ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) và ngành bán lẻ (Retail) chính là khách hàng mục tiêu. Nếu ngành bán lẻ tập trung vào người tiêu dùng cuối cùng thì ngành hàng tiêu dùng nhanh tập trung vào các kênh phân phối trung gian (đại lý, nhà phân phối, nhà bán lẻ).

Ngành bán lẻ là tập hợp các công ty/cửa hàng/cá nhân bán sản phẩm cho chính khách hàng. Việc đó được thực hiện thông qua các cửa hàng bán lẻ truyền thống, website thương mại điện tử hoặc kênh bán hàng qua điện thoại. Mặt khác, FMCG sẽ tìm kiếm các đối tác phân phối lớn, để từ đó cung cấp một lượng hàng lớn đến khách hàng nhằm tăng thêm độ uy tín của sản phẩm và tăng độ tin dùng cho người mua.

Đặc điểm chung của ngành FMCG

Tần suất tiêu thụ cao

Đây là một trong những đặc trưng nổi bật nhất của ngành FMCG. Các sản phẩm FMCG thường được sử dụng hàng ngày và có tần suất tiêu thụ cao hơn so với các sản phẩm khác. 

Giá thành thấp

Sản phẩm FMCG thường có giá thành thấp hơn so với các sản phẩm khác. Điều này là do số lượng sản phẩm được sản xuất hàng loạt, điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải quản lý chi phí hiệu quả để giảm chi phí sản xuất và vận hành.

Mức độ cạnh tranh cao

Các doanh nghiệp cần phải cân bằng giữa chất lượng sản phẩm, giá thành với mức độ tiêu thụ để đảm bảo cạnh tranh trên thị trường. Mặc dù giá thành thấp có thể giảm lợi nhuận nhưng lại giúp các doanh nghiệp thu hút đối tượng khách hàng rộng hơn, từ đó tăng doanh số bán hàng và thúc đẩy lợi nhuận.

Thời gian tiêu thụ ngắn 

Các sản phẩm FMCG đều có thời gian tiêu thụ ngắn do nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi theo thời gian, vì vậy FMCG phải thường xuyên cập nhật để đáp ứng nhu cầu mới.

Bên cạnh đó một số sản phẩm như thực phẩm tươi sống, đồ uống không có chất bảo quản rất dễ hư hỏng. Nếu bảo quản trong tủ đông quá lâu cũng làm giảm chất lượng của sản phẩm.

Sự đa dạng sản phẩm 

Ngành FMCG cung cấp các sản phẩm đa dạng để đáp ứng nhu cầu của nhiều loại khách hàng khác nhau. Ví dụ, các sản phẩm FMCG có thể bao gồm các loại nước giải khát, đồ ăn nhanh, kem đánh răng, sản phẩm chăm sóc da, nước hoa, thực phẩm đóng hộp và nhiều hơn nữa.

Kênh phân phối rộng lớn

Ngành FMCG có kênh phân phối rộng lớn bởi đây là ngành sản xuất và kinh doanh các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày, mà những sản phẩm này cần đưa đến tay người tiêu dùng nhanh chóng. Để đáp ứng nhu cầu khách hàng, sản phẩm FMCG thường được phân phối qua các kênh siêu thị, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện lợi, chuỗi bán lẻ,… Đây đều là những kênh gần gũi với người tiêu dùng.

Các kênh phân phối chính của FMCG

- Kênh truyền thống (GT): Cửa hàng tạp hoá, gian hàng trong chợ, quầy bán hàng lưu động,…

- Kênh hiện đại (MT): Siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại, sân bay,..

- Kênh Key Account: Căn tin trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí, khách sạn,…

- Kênh phân phối online: sàn TMĐT (Shopee, Lazada, Tiki, Sen Đỏ,..), mạng xã hội (Facebook, zalo, instagram, youtube,….), webshop,….

- Kênh phân phối đa kênh kết hợp: Phân phối cùng lúc trên cả kênh offline và online.

Top 5 công ty FMCG thành công nhất tại Việt Nam

Unilever

Năm 1995, Unilever phát triển kinh doanh vào thị trường Việt Nam và đặt trụ sở chính tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đến nay sau gần 27 năm, công ty đã gắn bó cùng nhiều thế hệ người Việt với các thương hiệu như: Lifebuoy, OMO, Sunsilk, P/S,…

Nestle

Nestlé thành lập văn phòng đại diện tại thị trường Việt Nam năm 1912 và chính thức đi vào hoạt động năm 1995. Trải qua 27 năm, công ty hiện sở hữu 6 nhà máy và gần 2.300 nhân viên trên khắp cả nước.

Nestlé có hơn 2.000 thương hiệu tại 190 quốc gia trên toàn thế giới. Ngoài tôn chỉ nâng cao đời sống của người tiêu dùng, công ty đang phát triển mạnh mẽ với các sản phẩm nổi tiếng như: kẹo KitKat, sữa MILO, cà phê Nescafé, nước suối đóng chai Lavie,…

Acecook

Vào năm 1995, Acecook bắt đầu hoạt động tại Việt Nam. Với gần 27 năm hình thành và phát triển, Acecook Việt Nam đã trở thành một trong những công ty hàng tiêu dùng nhanh lớn nhất Việt Nam và “mũi nhọn” là các sản phẩm ăn liền như Mì Hảo Hảo, Mì Đệ Nhất, Mì Ý, Phở Đệ Nhất,... được hàng triệu người Việt tin dùng.

Masan Consumer Holdings

Masan Consumer Holdings là một trong những mảng kinh doanh của Masan Group, được thành lập vào năm 2000, tập trung đầu tư và phát triển ở ngành FMCG Việt Nam gồm thực phẩm và đồ uống đóng chai.

Các công ty con của Masan Consumer Holdings gồm có Masan Consumer và Masan Brewery, sản xuất và phân phối trong nước và quốc tế với những thương hiệu nổi tiếng như Nam Ngư, Omachi, Vinacafé, Wake-Up,...

Vinamilk

Vinamilk đặt nền móng đầu tiên với ba nhà máy sản xuất sữa: Thống Nhất, Trường Thọ, Dielac vào năm 1976. Vinamilk hiện đã có mặt tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 200 loại sản phẩm có thể kể đến như: Sữa tươi Vinamilk, Thức ăn dặm RiDielac, Sữa đặc Phương Nam Sao, Ông Thọ,...

Tạm kết

Phải công nhận rằng: FMCG là một thị trường tiềm năng, một mảnh đất màu mỡ, là lĩnh vực kinh doanh đáng để doanh nghiệp đầu tư nhất hiện nay. 

Hi vọng với những thông tin mà A-Connection cung cấp, bạn đã hiểu rõ FMCG là gì và tầm quan trọng của ngành này đối với cả người tiêu dùng và doanh nghiệp.