Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam trước sự thay đổi của ngành bán lẻ Nhật Bản

 

Mới đây tại Tp.HCM đã diễn ra hội thảo “Sự phát triển ngành kinh doanh bán lẻ tại Nhật Bản”, gợi mở cho các doanh nghiệp Việt Nam những ý tưởng kinh doanh mới, chiến lược phù hợp nhằm đưa hàng sang thị trường Nhật Bản cũng như tiến xa hơn trên thế giới.

 

Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam trước sự thay đổi của ngành bán lẻ Nhật Bản

 

Hôi thảo do Hiệp hội Siêu thị Nhật Bản (NSAJ) phối hợp cùng Viện Phát triển Quản trị và Công nghệ mới (IMT) và Hiệp hội Hợp tác kỹ thuật và Đối tác phát triển bền vững (AOTS) phối hợp tổ chức đã thu hút sự tham gia của hơn 60 đại diện đến từ các hiệp hội, các công ty bán lẻ hàng đầu Việt Nam cùng các đơn vị truyền thông, báo chí.

 

Tại hội thảo, ông Tetsuichiro Tomihari, Giám đốc khối triển lãm chủ trì của NASJ đã có phần trình bày về những tác động của các yếu tố vĩ mô, đặc biệt là dân số, đến sự phát triển và tương lai của thị trường bán lẻ tại Nhật Bản, và xu hướng mua sắm của người tiêu dùng tại đây.

 

Theo đó, do xu hướng dân số ngày một lão hóa (số người trên 65 tuổi đã chiếm 26,6%) và số lượng hộ “đơn” (có 1 thành viên) tăng khiến cho nhu cầu nấu ăn tại nhà giảm và người dân Nhật Bản đang ngày càng chuộng mua thực phẩm chế biến sẵn tại các cửa hàng tiện ích, các cửa hàng chuyên bán đồ hóa-mĩ phẩm (drugstore), hoặc qua thương mại điện tử.

 

Điều này cũng làm cho cho  các cửa hàng bách hóa tổng hợp (department store) và cả siêu thị (supermarket) vẫn là kênh mua sắm phổ biến nhất tại Nhật Bản hiện nay.

 

Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam trước sự thay đổi của ngành bán lẻ Nhật Bản

 

Người tiêu dùng Nhật Bản cũng đang thể hiện xu hướng phân cực mạnh giữa một bên là các gia đình đông người, ưu tiên mua về số lượng hơn chất lượng, và một bên là các gia đình neo đơn, lại sẵn sàng bỏ tiền để mua những thực phẩm ngon hơn, tươi hơn, chất lượng hơn và cũng đắt tiền hơn.

 

Trước sự thay đổi nhanh chóng của ngành bán lẻ Nhật Bản, ông Tomihari cũng gợi ý các doanh nghiệp Việt Nam có thể nhìn thấy cơ hội xuất khẩu hàng hóa vào Nhật Bản, đặc biệt là những mặt hàng chế biến khô như bánh phở khô, bún khô,… Những mặt hàng này cũng có yêu cầu kiểm tra chất lượng ít ngặt nghèo hơn với những mặt hàng tươi sống khác như trái cây.

 

Cuối phần trình bày của mình, ông Tomihari cũng giới thiệu đến các doanh nghiệp Việt Nam có mặt về Triển ãm siêu thị Nhật Bản (Supermarket Trade Show 2019).

 

Đây là lần thứ 53 sự kiện thường niên trong ngành lớn nhất Nhật Bản được tổ chức, năm nay sẽ diễn ra vào tháng 2/201, dự kiến quy tụ hơn 2000 doanh nghiệp Nhật Bản.

 

Những nhà bán lẻ quan tâm trong và ngoài nước có thể đến tham quan và tìm hiểu những xu hướng mới nhất trong ngành công nghiệp phân phối thực phẩm vào các siêu thị, những công nghệ hỗ trợ quản lý siêu thị và thu ngân mới nhất, dự án Future Store 2019-2020 về mô hình nhà bán lẻ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), cũng như tiếp cận và phát triển mối quan hệ với các đối tác tiềm năng tại triển lãm.